Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở

Sun May 25 16:42:00 GMT+07:00 2025

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, những năm qua, công tác hòa giải tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối đoàn kết, ổn định tình hình xã hội ở cơ sở, làm giảm các loại tội phạm phát sinh và phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội đồng hòa giải phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên mở Hội nghị hòa giải tranh chấp đất đai giữa một số hộ dân của tổ dân phố Bến 2

Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 2.200 tổ hòa giải với trên 16 nghìn hòa giải viên, hoạt động tại các thôn, xóm, tổ dân phố. Thành phần tổ hòa giải đảm bảo theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính đại diện và uy tín trong cộng đồng.

Từ năm 2013 (thời điểm Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành) đến nay, các cơ quan tư pháp và Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức gần 5.000 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút khoảng 2,5 triệu lượt người tham dự. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về hòa giải cơ sở như: Tập huấn nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; phát tờ rơi, tờ gấp; sổ tay nghiệp vụ, bản tin tư pháp; thi tìm hiểu pháp luật; thi hòa giải viên giỏi; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo chí, loa truyền thanh cơ sở…

Hằng năm, Sở Tư pháp chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, trong đó xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Sở tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động kiểm tra đã đánh giá thực chất kết quả, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, tìm nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành. 

Công chức xã cùng thành viên Tổ hòa giải điểm ở xóm Bản Mới, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa xác định ranh giới để tiến hành vụ hòa giải tranh chấp đất đai

Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt nhiều kết quả tích cực. Thống kê từ năm 2013 đến nay, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh đã hòa giải gần 20 nghìn vụ việc, trong đó tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 85%, chủ yếu là các vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình, mâu thuẫn trong sinh hoạt thường nhật giữa người dân.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Đa phần các vụ việc hòa giải thành là mâu thuẫn đơn giản; tỷ lệ giải quyết các tranh chấp phức tạp chưa cao; sự tham gia của luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật còn hạn chế, khiến việc hòa giải chủ yếu dựa vào uy tín cá nhân; một số địa phương chưa bố trí đủ kinh phí cho hoạt động này, việc bồi dưỡng chuyên môn chưa thường xuyên.


Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP. Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho gần 200 hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải trên địa bàn

Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân; quan tâm bố trí kinh phí, đảm bảo các điều kiện cho công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các tổ hòa giải trong việc xác định các mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải; thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, công an xã, thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; huy động tối đa các tuyên truyền viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và tòa án nhân dân các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị, lực lượng công an ở cơ sở trong thực hiện các vụ việc hòa giải; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên...

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1312186