Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Việt Nam-ADB hợp tác chiến lược hướng tới phát triển xanh, môi trường sạch

2025-04-11 14:37:00.0

Trọng tâm của ADB là hỗ trợ ngành nông nghiệp và môi trường của Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, bảo vệ hệ sinh thái...

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Ngày 8/4, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết tại buổi tiếp và làm việc giữa Bộ trưởng Đỗ Đức Duy với Đoàn Công tác Chương trình 2025 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Santanu Chakraborty làm trưởng đoàn, diễn ra trong ngày hôm nay, phía ADB cam kết sẽ hỗ trợ các dự án trọng tâm về ​chuyển đổi bền vững ngành lúa gạo, bảo tồn hệ sinh thái và nâng cao chất lượng môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Shantanu Chakraborty cho biết mục tiêu trọng tâm của ADB là hỗ trợ ngành nông nghiệp và môi trường của Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon đồng thời đẩy mạnh bảo vệ hệ sinh thái biển và an ninh nguồn nước.

Về tài chính, ADB hiện có đầy đủ năng lực để cung cấp các khoản vay cho Chính phủ và khu vực tư nhân. Trong hai năm qua, ADB đã tăng cường cho vay và kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhằm củng cố vị thế đối tác chiến lược quốc gia với Việt Nam (giai đoạn 2023-2026).

“ADB sẵn sàng hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, đa dạng hóa ngành trồng trọt nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, trong khuôn khổ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030,” ông Shantanu Chakraborty nói.

Về các dự án và hỗ trợ kỹ thuật, ADB đã và đang phối hợp hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cũng như các địa phương.

Đơn cử như tại Yên Bái, thời gian qua, ADB đã triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế dựa vào cộng đồng, tăng cường kết nối với cụm dân cư, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và hài hòa với thiên nhiên.

ADB cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quản lý rủi ro lũ lụt, gắn kết chặt chẽ với các nội dung về bảo vệ môi trường, bao gồm cải thiện chất lượng không khí đô thị. Hiện nay, ADB đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các dự án liên quan tại khu vực Vịnh Thái Lan và bảo tồn hệ sinh thái biển.

Nho thân gỗ là một trong những sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Giang Phương - TTXVN)

Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới ADB vì những hỗ trợ thiết thực, tích cực trong thời gian qua đối với ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, mở rộng hợp tác sâu rộng hơn nữa với ADB, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ưu tiên. Hiện nay, một số dự án trọng điểm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nhất là trong chuyển đổi ngành lúa gạo theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, được xem là trọng tâm của Việt Nam. Do đó, các nội dung hợp tác cần được lồng ghép hiệu quả với các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của ADB để nâng cao hiệu quả tổng thể.

“Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch lưu vực sông, đánh giá khả năng chịu tải, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh. Chúng tôi kỳ vọng ADB sẽ đồng hành trong công tác lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng, và có được các biện pháp kịp thời,” ông Duy chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng kỳ vọng ADB tiếp tục hỗ trợ triển khai các hợp phần kỹ thuật và tài chính, các hình thức cho vay linh hoạt.

Với tinh thần hợp tác chiến lược, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với lãnh đạo ADB tại Việt Nam thống nhất hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như: Quản lý an toàn hồ đập, đảm bảo an ninh nguồn nước xuyên biên giới và sử dụng bền vững tài nguyên nước, phát triển lâm nghiệp bền vững, phục hồi hệ sinh thái vùng ngập mặn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng miền núi và xã đặc biệt khó khăn, hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quốc gia./.


vietnamplus.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1311796